Vào cuối những năm 1950, cả Rolex và Omega đều ra mắt những chiếc đồng hồ chống từ tính để phục vụ các nhà nghiên cứu khoa học. Rolex giới thiệu đồng hồ Milgauss vào năm 1956, còn Omega giới thiệu Railmaster vào năm 1957. Mặc dù hai mẫu này chưa bao giờ là siêu sao trong danh sách đồng hồ của cả hai nhưng chúng vẫn luôn là một phần của bộ sưu tập hiện đại của mỗi công ty và đều có một lượng fan hâm mộ riêng. Cùng so sánh hai chiếc đồng hồ chống từ Rolex Milgauss và Omega Railmaster.

Rolex Milgauss (trái) và Omega Railmaster (phải)

Thiết kế: Rolex Milgauss với Omega Railmaster

Xuất hiện trên thị trường đã hơn sáu thập kỷ, không có gì ngạc nhiên khi các phiên bản Milgauss và Railmaster đã ra mắt nhiều phiên bản khác nhau. Vì vậy, để việc so sánh khách quan nhất, chúng tôi lựa chọn hai phiên bản mới nhất là Rolex Milgauss ref. 116400 và Omega Railmaster 220.10.40.20.01.001.

Rolex Milgauss ref. 116400

Chiếc đồng hồ Rolex Milgauss ref. 116400 xuất hiện lần đầu vào năm 2007, đánh dấu sự trở lại của bộ sưu tập Milgauss vốn đã bị hãng cho ngừng sản xuất. Phiên bản này có bộ vỏ làm bằng thép không gỉ có kích thước 40mm, vành bezel trơn và dây đeo Oyster. Sở hữu mặt số màu đen không có lịch ngày với nhiều chi tiết có màu cam, Rolex Milgauss ref. 116400 còn có cọc chỉ giờ baton màu cam phủ chất phát quang, dòng chữ MILGAUSS, kim giây tia sét màu cam nổi bật. Đây là đặc trưng của những phiên bản Milgauss đời đầu nhưng trước đây kim giây tia sét thường có màu tối hơn.

Omega Railmaster 220.10.40.20.01.001

So với Rolex Milgauss ref. 116400, Omega Railmaster 220.10.40.20.01.001 ra đời muộn hơn, phải một thập kỷ sau đó (tức năm 2017), phiên bản này được hãng ra mắt tại triển lãm Baselworld với cảm hứng từ phong cách cổ điển của chiếc Railmaster ban đầu. Giống với mẫu đồng hồ Rolex Milgauss ref. 116400, chiếc Railmaster này có bộ vỏ thép không gỉ có kích thước 40mm, vành bezel bằng thép, dây đeo liên kết 3 mối nối bằng thép và mặt số chỉ báo thời gian. Tuy nhiên, mặt số đồng hồ có hoa văn dọc được chải xước, các chữ số Ả Rập ở các vị trí 3, 6, 9, 12 giờ, vạch chỉ giờ hình tam giác được làm từ Super-LumiNova màu cam nhạt mang đến vẻ ngoài cổ điển.

Hai mẫu đồng hồ Rolex Milgauss ref. 116400 và Omega Railmaster 220.10.40.20.01.001 có bề ngoài khá giống nhau – mặc dù phiên bản Rolex Milgauss ref. 116400 mang phong cách đương đại trong khi Omega Railmaster 220.10.40.20.01.001 lại mang đậm tính thẩm mỹ về sự hồi tưởng.

Rolex Milgauss ref. 116400 còn có cọc chỉ giờ baton màu cam phủ chất phát quang, dòng chữ MILGAUSS, kim giây tia sét màu cam nổi bật

Chức năng và Giá cả của Rolex Milgauss so với Omega Railmaster

Như đã đề cập trước đó, cả Milgauss và Railmaster đều là những mẫu đồng hồ chỉ có chức năng theo dõi thời gian với 3 kim trên mặt số (giờ, phút, giây). Điểm đặc biệt để thu hút khách hàng ở đây chính là khả năng chống từ của hai mẫu đồng hồ này.

Rolex Milgauss được trang bị bộ máy Caliber 3131 có khả năng chống từ 1000 gauss

Rolex Milgauss được trang bị bộ máy Caliber 3131 có khả năng chống từ 1000 gauss nhờ vào một lá chắn chống từ bảo vệ bộ máy. Caliber 3131 hoạt động với tần số 28.800 nhịp mỗi giờ, có khả năng dự trữ năng lượng trong 48 giờ và được chứng nhận COSC.

Omega Railmaster hoạt động trên bộ máy Co-Axial Master Chronometer Caliber 8806 trữ cót 55 giờ và khả năng chống từ lên tới 15.000 gauss

Trong khi đó, Omega Railmaster hoạt động trên bộ máy Co-Axial Master Chronometer Caliber 8806, tự động lên dây nhưng khả năng dự trữ năng lượng lâu hơn tới 55 giờ và khả năng chống từ lên tới 15.000 gauss. Caliber 8806 của Omega không chỉ được chứng nhận đồng hồ bấm giờ chính xác mà còn tiến xa hơn một bước là đạt được chứng chỉ của Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) cho bộ máy (chứng chỉ này đòi hỏi các thông số nghiêm ngặt hơn cả chứng chỉ COSC).

Đồng hồ Omega không chỉ được chứng nhận đồng hồ bấm giờ chính xác mà còn đạt được chứng chỉ của
Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) cho bộ máy

Thế nhưng, mặc dù Railmaster mặt số đen hiện đại mới hơn, cung cấp khả năng chống từ tính và trữ cót lâu hơn nhưng nó chỉ bằng một nửa giá của Milgauss trên thị trường. Đây được coi là một ví dụ điển hình về sức mạnh của thương hiệu Rolex luôn có giá bán cao hơn, không chỉ hàng mới mà còn trên cả thị trường đồng hồ cũ.