
Phan Công Khanh là ai? Điều gì khiến tên anh chàng này lại nổi tiếng trong thời gian gần đây?
Phan Công Khanh sinh năm 1994, đã từng là một vận động viên bóng chuyền nổi tiếng với lối chơi đam mê và cú nhảy bật cao hơn 3 mét. Do chấn thương, anh chàng đã phải giã từ sự nghiệp sân bóng. Điều khiến giới trẻ biết tới cái tên Phan Công Khanh gần đây đó là việc anh sở hữu rất nhiều siêu xe tiền tỷ, từ chiếc McLaren 720S Spider 24 tỷ đến chiếc Lamborghini Urus (khoảng 23 tỷ đồng). Thế nhưng, chỉ siêu xe mới có thể quyến rũ anh chàng?

Vào ngày 21/5 trên facebook cá nhân, anh chàng Phan Công Khanh có đăng tải bức hình ngụ ý mình đã đặt cọc mua một chiếc đồng hồ đắt giá (theo phiếu đặt hàng cũng do chính anh chàng cung cấp, chiếc đồng hồ có giá 1,46 triệu USD, tương đương 34,4 tỷ đồng) đến từ thương hiệu Richard Mille. Và nếu chính xác như hình ảnh Phan Công Khanh đăng tải, đó là một chiếc Richard Mille RM 52-01 Skull Tourbillon màu đen ma mị, giới hạn 30 chiếc trên toàn thế giới.

Chiếc đồng hồ này đã từng xuất hiện trên tay của nam ca sĩ Pharrell William hay Post Malone và được bán với giá retail khoảng 600.000 USD. Nhưng như bao chiếc đồng hồ Richard Mille khác, đặc biệt là phiên bản đồng hồ giới hạn như RM 52-01 Skull Tourbillon, mức giá sở hữu thực tế luôn cao hơn gấp rưỡi, cho tới gấp đôi giá bán lẻ tại thị trường thứ cấp. Thậm chí, việc sở hữu một chiếc đồng hồ RM 52-01 Skull Tourbillon đôi khi vấn đề không hẳn chỉ nằm ở giá cả.

Richard Mille RM 52-01 Skull Tourbillon của Phan Công Khanh có điểm gì đặc biệt?
Đây là một phiên bản đồng hồ được Richard Mille sản xuất giới hạn, phân phối độc quyền cho thị trường châu Á. Với tài marketing tài tình và chất lượng đồng hồ dẫn đầu, Richard Mille là thương hiệu ruột của nhiều siêu sao Hollywood cho tới toàn thế giới. Những chiếc đồng hồ Richard Mille dáng thùng đã trở thành yếu tố nhận diện của sự đắt đỏ, đẳng cấp và thành của xứ Hollywood.
Một chiếc đồng hồ Richard Mille giá thấp nhất có thể tìm thấy rơi vào khoảng trên 100.000 USD, còn một chiếc đắt nhất thì…. Rất khó để chỉ ra chiếc đồng hồ Richard Mille nào đắt nhất, nhưng chắc chắn, RM 52-01 Skull Tourbillon của Phan Công Khanh là một trong những cỗ máy cao cấp nhất, và được săn đón nhất.

Mô típ về đồng hồ có biểu tượng đầu lâu (skull) không lạ trong giới đồng hồ, nhưng việc tạo ra một lồng tourbillon (cơ chế được phát minh bởi ông tổ ngành chế tác Abraham-Louis Breguet với mong muốn cân bằng trọng lực, tăng tính chính xác) ngay bên trong đầu lâu lại khiến Richard Mille khác biệt. Dòng đồng hồ có biểu tượng đầu lâu được Richard Mille phát hành kể từ năm 2012 với tên gọi RM 052, theo sau đó là sự ra đời chiếc RM 52-01 như của anh chàng Phan Công Khanh.
Chiếc đồng hồ RM 52-01 của anh chàng đam mê siêu xe này có vành bezel và mặt sau được làm từ vật liệu TZP màu đen, là sự pha trộn của các nguyên tố 95% zirconium và thêm vào yttrium để tăng độ bền trong khi cạnh bên làm từ nano-ceramic.

Chất liệu là một yếu tố quan trọng trên mọi chiếc đồng hồ Richard Mille. Khai thác mong muốn thể hiện tính độc tôn, độc quyền của những khách hàng VIP, Richard Mille luôn tâm niệm từng sản phẩm cung cấp phải tràn đây hơi thở quyến rũ của sự khác biệt. Do đó, vật liệu/chất liệu cấu thành nên đồng hồ được hãng tập trung xử lý.

Cụ thể, những chiếc đồng hồ cao cấp và đắt tiền nhất của Richard Mille đều sở hữu bộ vỏ được sản xuất theo tỉ lệ riêng cũng như chất liệu tự nghiên cứu. Đúng vậy, không đi theo truyền thống, đồng hồ vàng hay đồng hồ platinum không phải thứ đắt nhất mà khách hàng có thể sở hữu, Richard Mille sẽ làm hơn thế với những vật liệu mới như sapphire, sợi carbon hay các loại gốm kim loại, ví như TZP.

Dù vậy, việc sử dụng những vật liệu ít khi được các thương hiệu truyền thống sử dụng cũng gây ra nhiều câu chuyện buồn cười. Không ít người gọi đồng hồ RM 52-01 có vỏ sapphire (phiên bản giống với chiếc đồng hồ Richard Mille của Phan Công Khanh nhưng chất liệu là vỏ sapphire – giá 3,5 triệu USD) là những chiếc đồng hồ “đồ chơi”, đồng hồ nhựa. Nhưng, có chiếc đồng hồ đồ chơi nào siêu cứng, siêu nhẹ hay có bề mặt mượt mà như đồng hồ mà Richard Mille cung cấp?

TZP có trọng lượng 6g.cm3, điều khiến chiếc đồng hồ trở nên siêu nhẹ mặc dù có kích thước 42,70 mm x 50,00 mm x 15,95 mm. Đặc biệt, với những liên kết sâu, TZP là vật liệu khả năng chống xước cao và có hệ số dẫn nhiệt thấp. Mặt trước đồng hồ được chải xước với những sọc thẳng tắp (chải satin) được cho là hết sức thể thao trong khi vát cạnh thật bóng bẩy. Việc tạo ra những trải nghiệm chưa từng có trước đây tới khách hàng là điều khiến Richard Mille thu hút được khách hàng cũ, không bao giờ lỗi thời. Dù vậy, 12 đinh ốc mô phỏng theo kiểu dáng bánh xe ô tô cùng núm vặn kích thước lớn đi kèm đệm cao su vẫn được giữ nguyên theo đúng bản chất và tinh thần của đồng hồ Richard Mille trên chiếc RM 52-01 của Phan Công Khanh.

Ở những chiếc đồng hồ thông thường, bộ máy đồng hồ sẽ ẩn sâu bên trong mặt số và vỏ đồng hồ, còn với chiếc đồng hồ Richard Mille RM 52-01, từng chi tiết máy thật dễ được nhìn thấy. Richard Mille là một trong số ít thương hiệu hiện nay cung cấp những mặt số dạng skeleton bởi thực hiện điều này tốn thời gian và chi phí hơn rất nhiều. Không dừng lại ở chi phí thực hiện, chi phí được nhắc tới là chi phí nghiên cứu, chi phí tạo ra những nguyên mẫu cho tới khi thành phẩm cuối cùng được tạo ra.

Trên tông nền đen tuyền của RM 52-01, đầu lâu vàng hồng hiện lên rất rõ ràng ở cả hai mặt trước sau. Không chỉ dừng lại ở tác dụng thẩm mỹ, chi tiết đầu lâu bằng vàng thực chất là một tấm khung đỡ các chi tiết máy mà thương hiệu Richard Mille bố trí, sắp xếp thông minh bên trong. Hai hàm trên và dưới của đầu lâu trên chiếc đồng hồ có một khoảng trống, nơi người hâm mộ có thể nhìn thấy viên ruby hồng – nằm chính giữa lồng tourbillon, hình ảnh này đủ sức kích thích những ai có trí tưởng tượng.

Sẽ thật khó để chứng minh giá trị của một chiếc đồng hồ có giá trị tới hàng chục tỷ như RM 52-01 Skull Tourbillon. Nhưng rõ ràng không ai hiểu đứa con tinh thần của mình hơn cha đẻ của nó như chính cha đẻ thương hiệu – Richard Mille đã từng nói: “Tôi không dễ tự mình thỏa hiệp. Mỗi khi phân vân nên tiết kiệm chi phí sản xuất hay cố gắng tăng hiệu suất đến mức cao nhất, tôi luôn lựa chọn vế thứ hai”.